Nhân câu chuyện đau lòng về 9 học sinh chết đuối ở Quảng Ngãi, nhiều bài báo, blog đưa ra báo động về tình trạng thiếu kỹ năng sống của trẻ em ngày nay. Tôi thấy đó không phải là vấn đề bây giờ mới có mà có từ lâu rồi, nhưng cách giáo dục trẻ em ở Việt Nam hầu như vẫn dậm chân tại chỗ, còn báo chí thì ngày càng phổ biến nên những vụ tai nạn sông nước như vậy mới ngày càng có sự lan truyền mạnh hơn. Đơn cử như trường hợp tuổi thơ của tôi:
Bố tôi sinh ra và lớn lên ven sông Ngũ Huyện Khê, một nhánh của sông Cầu, thuở nhỏ chăn trâu chơi trò đuổi bắt, đánh nhau giữa làng bên này với làng Giới Tế bên kia sông nên việc bơi lội không có gì là lạ, bơi nó cũng giống như bản năng, tuy không bài bản, chỉ là mấy kiểu bơi chó, ngụp lặn nhưng cũng đủ để cứu sống bản thân. Ông ý thức được việc quan trọng của cái sự bơi nên năm tôi 8 tuổi nảy ra ý định dạy tôi bơi. Lấy cái săm xe máy bơm vừa đủ, ông đưa tôi ra khúc kênh ven trường năng khiếu của huyện thời đó dạy bơi. Bài học của tôi là vòng cái săm đấy qua người và đập chân đập tay. Chẳng rõ bài học đó có tác dụng như thế nào vì tôi cũng chỉ bơi ở khúc kênh đó một lần duy nhất. Sau đó tôi được đưa ra tập ở cái hồ cạnh ga Kép, nơi bố tôi làm việc, cũng chỉ bơi ở đó 2 lần vì sau đó có vụ một thằng nhóc bơi rồi đuối nước bị chìm, may người ta phát hiện ra sớm và đưa lên bờ. Sau vụ đấy bố tôi bỏ hẳn vụ dạy thôi tập bơi và tôi đã tự thân vận động...
Bản năng của cậu học trò hiếu động nào chả thích trò sông nước, sát nhà tôi là một cái mương, hồi đó nó còn sâu chứ không nông toèn toẽn như bây giờ, mùa đông thì chỉ chảy như cái khe bé trong vắt nhưng tới mùa mưa thì ào ào, nhất là sau cơn mưa lớn thì đổ như suối, nước đục ngàu giống như màu nước sông Hồng sau mỗi dịp mưa lớn trên thượng nguồn đổ về. Mỗi lần đó là những ngày vui của tôi và thằng Hải hàng xóm, hai bằng bì bõm cả ngày với lý do là bắt cá, những con cá rô to bằng ngón tay cái từ đầu nguồn theo nước bơi về, rồi lại nhảy ùm xuống ngụp lặn. Có lần bị mẹ đi chợ về bắt quả tang, lôi lên vụt cho quắn đít. Sau đó đi xa hơn là ra cái hồ cách nhà tôi khoảng 300m, hồ này mùa nước cạn thì chỉ sâu khoảng 1m, nước trong vắt nhưng tới mùa mưa thì rất sâu, tôi cũng bị mẹ bắt gặp một lần ở đây và lại bị ăn trận đòn nhớ đời. Sau lần đó mẹ bắt gặp tôi "ngâm" người ở đây một lần nữa nhưng lần này không đánh vì lần đó mẹ đang bận đi làm, đến chiều tối bà có gọi tôi lại nói sẽ tha không nói với bố (nếu bố tôi biết thì sẽ đánh tôi còn đau hơn cả mẹ) và dọa nếu tái diễn thì chắc chắn sẽ không tha.
Việc "bơi" của tôi đến đây là như vậy đấy, người lớn ai cũng ý thức được sông nước là nguy hiểm nhưng hầu như không ai nghĩ tới việc dạy bơi cho con trẻ cả. Cứ mỗi lần bị đánh là tôi lại chuyển địa bàn hoạt động ra xa hơn để bố mẹ không biết, lúc đầu là cái mương sát nhà, sau đó là hồ nước cách nhà 300m và tới địa điểm tiếp theo nữa là đoạn kênh ở đầu phía bên kia đường băng sân bay (nhà tôi ở đầu cuối sân bay - tức là địa điểm này cách nhà tôi khoảng hơn 2km) thì bố mẹ tôi không bao giờ biết được mãi cho tới khi tôi lớn và tự kể việc này ra.
Đó là thời kỳ tôi khoảng 12-13 tuổi, vào học cấp 2 thì tôi chơi với thằng Quyền gần nhà, vài lần đi chơi với nó thì nó rủ vào nhà ông bác quen ở làng Ao Rẻ. Bên hông nhà bác là con kênh nước xanh biếc lờ lững chảy. Cứ cuối tuần là tôi, nó và thằng Hải hàng xóm lại vào nhà bác chơi nhưng mục đích bơi là chính, cởi hết quần áo chỉ mặc độc sịp nhảy ùm ùm xuống làn nước xanh mát. Thời đầu chúng tôi chỉ dám mon men cạnh bờ thôi, khi nào nước xuống thì mới dám ra giữa, sau đó đôi lần tôi với thằng Hải đi, không đi cùng thằng Quyền nên ngại vào nhà bác, thế là bơi luôn ở chân cầu cách nhà bác khoảng 100m, chỗ đó có sỏi nên sạch hơn chút.
Việc dấm dúi bơi trộm ở đó kéo dài khoảng 1 năm thì tôi bắt đầu biết đạp tay đạp chân, tôi bắt đầu đạp để tự nổi và "bơi" xuôi dòng nước khoảng chục mét. Tất nhiên nói là bơi thì quá hổ thẹn vì chẳng ai dạy tôi cả, hai thằng kia cũng không biết gì để mà dạy, người lớn cũng không có. Chỉ là cố khua khoắng để nổi xuôi theo dòng nước như đang bơi mà thôi. Cũng có vài lần tôi đánh liều bơi từ bên này sang bờ bên kia, khoảng chục mét thôi nhưng di chuyển rất khó khăn vì đạp không đúng kỹ thuật.
Vào một buổi sáng nọ, chúng tôi lên trường để lao động, công việc xong xuôi mới khoảng 9giờ nên lại vào nhà bác để bơi, lần này tôi đánh liều đi ngược lên phía cầu và "bơi" xuôi theo dòng nước về phía nhà bác, lúc này tôi đã khá tự tin về trình độ "nổi" của mình nên muốn thử thách xa hơn. Thằng Quyền lúc đó đang vầy nước ở phía đích còn tôi một mình ngược lên cầu để bơi về phía nó. Tôi nhảy xuống nước và ì oạp khua khoắng tay chân để người nổi theo nước xuôi dòng, chỉ men theo bờ, cách bờ khoảng hơn một sải tay thôi nhưng vào mùa mưa nên nước khá sâu. Bơi được khoảng 30m thì tự nhiên tôi thấy đuối sức, ngay lập tức, cảm giác như có người nào đó dìm mình xuống, tôi chìm nghỉm, tay chân cố gắng khua khoắng loạn xị, vẫn chìm, và dường như tôi bị nước cuốn ra giữa dòng. Cảm giác người yếu hẳn đi trông thấy sau một hồi khua khoắng tay chân cố ngoi lên để thở, và tôi lại bị chìm lần nữa. Trong đầu tôi lúc này hình ảnh bố mẹ vụt thoáng qua như một thước phim quay nhanh, tôi nghĩ tới cảnh bố mẹ sẽ khóc thương như thế nào, sẽ đau đớn như thế nào khi đột ngột nhận được tin cậu con trai của mình chết đuối ở cái nơi nó đã bơi suốt hơn một năm qua mà gia đình không hề hay biết. Nghĩ đến đó thôi là tôi dùng hết sức bình sinh quạt chân tay về phía bên phải mà mình nghĩ đó là phía bờ gần nhất, khi tôi sắp kiệt sức thì tay tôi vớ được một cành dâu tằm, chính cành dâu tằm đó đã cứu tôi. Cây dâu mọc sát bờ kênh và tỏa những cành dâu xuống sát mặt nước cách bờ khoảng 2m, vào mùa nước lên nên một phần cành dâu bị chìm trong nước, vớ được nó tôi đưa tiếp tay kia để nắm mấy cành dâu nữa cho chắc và men theo nó vào bờ. Lúc đó tôi không còn sức để lên bờ nữa, chỉ đứng thở cũng mất gần chục phút định thần lại. Tôi không dám bơi tiếp nữa mà chỉ men theo bờ xuống chỗ thằng bạn đang đứng. Xuống tới nơi kể cho nó thì nó bảo, tao nghe tiếng đập nước của mày tưởng mày đang nghịch nước. Mịe, nghịch cái c*t, suýt nữa ngày này năm sau là giỗ đầu của tao rồi!
Tôi như sinh ra lần thứ hai, không phải do ai cứu mà do nỗ lực của chính bản thân và sự may mắn, nếu không có cây dâu đó thì cuộc đời tôi đã chấm dứt. Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng đến. Những đứa trẻ trong vụ tai nạn vừa rồi và hàng chục vụ trên mặt báo mỗi khi hè đến là ví dụ điển hình. Sau những vụ như thế, các bậc cha mẹ càng sợ hơn và dạy bảo con tránh xa sông nước chứ rất ít người nghĩ tới việc dạy bơi cho con trẻ. Nghịch lý dần hình thành là tỉ lệ trẻ con thành phố bây giờ lại biết bơi nhiều hơn trẻ con nông thôn. Bởi vì sao? trẻ con ở quê bây giờ cũng không còn phải đi chăn trâu cắt cỏ nhiều như ngày xưa nữa, bờ đê tốt nên ngày mùa dù có phải ra ruộng thì nước cũng không ngập tới ngực nữa, ao hồ thì bị lấp gần hết, không thì cũng quây rào thả cá chứ đâu được bơi, nước sông thì cũng bẩn hơn trước, không hoàn toàn là bẩn thì rác mà còn bẩn vì hóa chất người ta thải ra làm nước từ màu đỏ phù sa chuyển sang màu đen chết chóc.
Và cuối cùng thì sự giáo dục tự nhiên theo kiểu bản năng dần được thay thế bằng giáo dục có bài bản. Đó là giáo dục có sự hướng dẫn của người lớn có chuyên môn, mà điều này thì hầu như chỉ có ở thành phố. Còn ở nông thôn thì điều đó vẫn còn rất xa vời, với sự thiếu quan tâm tới kỹ năng sống như hiện nay thì tôi nghĩ 80% học sinh tốt nghiệp 12 ra trường đời sẽ không biết bơi, và việc này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa nếu tư duy giáo dục vẫn còn bó hẹp trong phạm vi nhà trường với các môn nặng về lý thuyết như hiện nay.
Cảm ơn đã chia sẻ!
Trả lờiXóaCáp sưởi sàn hồng ngoại|film sưởi sàn|tấm sưởi hồng ngoại|máy nước nóng trung tâm|phòng xông hơi